Có khi nào thật chậm để biết bao bước chân thì hết dãy hành lang này? Có khi nào nán lại cuối chiều chợt thấy thoảng hương hoa sữa? Có khi nào bước chân qua cửa lớp bắt gặp màu đỏ của lá bàng, thấy sân trường rộng thênh thang, thấy đàn chim đang xà xuống! Thật tuyệt vời! Trường tôi đẹp biết bao!
Đó là những cảm nhận của tôi về ngôi trường yêu dấu vào những ngày đầu thu này. Ngôi trường thật khang trang, bề thế! Phía sau vẻ sạch đẹp, bóng loáng của các phòng học, hành lang, sân trường, hay các khu vệ sinh, vườn trường xanh đẹp làm rung động trái tim bao người là bóng dáng của các bác lao công cần mẫn - mỗi bác đều có tên riêng nhưng đều được các bạn học sinh gọi bằng cái tên chung “bác lao công” đấy ạ! Và người hôm nay tôi muốn nói đến là bác lao công mang tên Lê Thị Hường.
Bác Hường năm nay gần 60 tuổi, tuy vậy bác vẫn là người phụ nữ khoẻ mạnh, chăm chỉ làm việc. Gia đình bác các con đều phương trưởng. Người con cả đã lập gia đình, người con thứ hai đi du học tại Hàn Quốc. Bác đã có thể nghỉ ngơi trông cháu nhưng với niềm yêu công việc, yêu mái trường và tiếng nói cười trẻ thơ nên bác vẫn ngày ngày có mặt nơi đây – mái trường tiểu học Thượng Thanh. Công việc chính của bác là dọn dẹp, vệ sinh toàn bộ khuôn viên trường học, các phòng học và phòng làm việc của thầy cô giáo. Nhà cách trường không xa nên thời gian bác dành cho trường, cho công việc là khá nhiều. Hàng ngày bác dậy và đi làm từ rất sớm, bác cùng các chị em trong tổ lao công dọn dẹp làm sạch khu vệ sinh, dãy hành lang dài qua các phòng học, khu hiệu bộ, nhà thể chất, các phòng chức năng rồi đến sân trường rộng với hàng cây rì rào trong gió. Có những ngày đông lạnh giá, bác phải có mặt ở trường từ khi trời còn chưa rạng sáng. Sau một chuỗi các công việc, bác và các chị em trong tổ lao công mới có thời gian nghỉ ngơi chốc lát và dùng bữa sáng trong hối hả khẩn trương. Vừa tranh thủ ăn sáng, bác vừa mỉm cười ngắm nhìn khung cảnh ngôi trường sạch sẽ trong tiếng im lìm bởi các cháu học sinh đang say sưa với tiết học đầu tiên. Công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy. Vào các giờ giải lao của học sinh, sau giờ ăn trưa và buổi chiều, sau khi học sinh tan học, bác lại cặm cụi quét, lau cho các lớp sạch bóng để đón chào các em học sinh vào những sớm mai. Khi được hỏi bác có ngại khi làm công việc này không? Bác cười rạng rỡ và vui vẻ: “Lúc đầu cũng hơi ngại nhưng mỗi người mỗi việc, mình hợp với công việc này nên cũng quen rồi cô ạ!”. Môi trường làm việc toàn các em nhỏ, ý thức và khả năng kiểm siats vệ sinh của các em đôi khi cũng hạn chế nên thực sự công việc thật vất vả và khó khăn. Tưởng rằng bác sẽ phiền muộn hay nản lòng nhưng thật đáng ngưỡng mộ vì bác không bao giờ kêu than, ngại khổ hay sợ bẩn thỉu, mất vệ sinh. Có lần tôi đã tận mắt chứng kiến bác tự tay chăm sóc, lau rửa, vệ sinh cho 1 bạn học sinh nhỏ với đầy sự dịu dàng, ân cần, lo lắng như dành cho chính con cháu mình. Bác Hường tâm sự. Mình chỉ nghĩ rằng tuy vất vả nhưng công việc của tổ lao công đã góp phần làm cho cảnh quan trường học xanh sạch hơn thì mình cũng thấy vui và hạnh phúc rồi. Mình sống vì tập thể, như vậy cuộc sống của mình tốt hơn nên không sợ vất vả. Các chị em trong tổ lao công ai cũng đều làm việc trách nhiệm, hết mình, làm thật nhanh thật sạch để khung cảnh sư phạm lúc nào cũng sáng, cũng xanh. Hai năm gần đây được sự quan tâm sát sao hơn từ ban giám hiệu, các thầy cô giáo trong trường nên ý thức học sinh được nâmg cao hơn, nhà vệ sinh được đầu tư nâng cấp nên cũng phần nào đỡ vất vả tuy vậy cũng kỳ công hơn, chú ý từng chi tiết nhỏ nhiều hơn. Bọn trẻ bé hay nghịch, còn vụng dại nhưng dễ thương lắm! Với ý nghĩ đơn giản, tình người như thế nên bác được đồng nghiệp, các giáo viên, học sinh yêu mến. Mỗi khi bắt gặp học sinh nào xả rác chưa đúng quy định bác nhẹ nhàng nhắc nhở, và những lúc như thế bác cũng góp phần giáo dục các em học sinh qua hành động cụ thể.
Công việc của bác Hường và các chị em trong tổ lao công bắt đầu từ sớm tinh mơ và kết thúc vào tối muộn, trong bất kể thời tiết nào: nắng nóng, gió lạnh hay mưa dầm trên khuôn mặt bác lao công Lê Thị Hường vẫn luôn ánh lên niềm vui của người lao động chân chính. Niềm vui ấy xuất phát từ tình yêu công việc, tấm lòng với mọi người xung quanh và sự chăm chỉ của bác. Đúng là không có nghề nào là nghề thấp kém. Công việc như nhỏ bé thầm lặng mà đóng góp và mang lại lợi ích to lớn cho xã hội như bác Hường cùng chị em tổ lao công đã mang lại vẻ đẹp, sáng, xanh gọn gàng cho ngôi trường yêu dấu. Chúc bác Hường và chị em trong tổ lao công luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc trong cuộc sống góp phần nhỏ bé thầm lặng của mình cho ngôi trường luôn thật sạch đẹp khang trang.
Một số hình ảnh đẹp của bác Hường và ngôi trường yêu dấu