Dấu câu tiếng Việt được biết đến là một phương tiện ngữ pháp dùng trong chữ viết. Nó có tác dụng làm rõ cấu tạo ngữ pháp của một câu. Những dấu câu sẽ chỉ rõ ranh giới giữa các câu với nhau và giữa các thành phần trong câu.
Do đó mà nó thể hiện được ngữ điệu trên một câu văn, câu thơ. Vì vậy mà hiện nay, nhiều chuyên gia tiếng Việt đã đánh giá rằng dấu câu còn là phương tiện biểu thị sắc thái của câu.
Trong
môn tiếng Việt lớp 3, dấu câu có vai trò rất quan trọng. Nếu dùng sai dấu câu, có thể gây hiểu nhầm về nghĩa. Thậm chí có trường hợp vì dùng sai dấu câu mà sai luôn cả ngữ pháp và nghĩa của câu.
Sau đây sẽ là cách sử dụng các dấu câu chi tiết:
Dấu chấm (.)
Dấu chấm dùng để kết thúc câu có nội dung kể, giới thiệu, nêu hoạt động, đặc điểm. Sau dấu chấm, viết hoa chữ cái đầu tiên của câu tiếp theo. Khi đọc gặp dấu chấm thì cần hạ giọng và nghỉ hơi.
Dấu chấm hỏi (dấu hỏi) (?)
Dấu hỏi được sử dụng trong câu nghi vấn, nó là dấu kết thúc câu hỏi. Chữ đầu tiên sau dấu hỏi cũng phải viết hoa. Đọc xong câu có dấu hỏi cũng cần nghỉ hơi như dấu chấm, tuy nhiên cần cao giọng cuối câu.
Dấu chấm lửng (dấu ba chấm) (...)
Dấu ba chấm được dùng khi người viết không muốn liệt kê hết các sự vật, hiện tượng nào đó. Một số trường hợp sử dụng dấu ba chấm khi không muốn nói hết ý nhưng người nghe vẫn hiểu. Dấu ba chấm cũng được dùng để biểu thị từ ngữ ngắt quãng. Nó thường đặt sau từ tượng thanh. Đôi khi dấu chấm lửng còn được đặt sau từ ngữ biểu thị sự châm biếm, hài hước, gây bất ngờ.
Dấu hai chấm (:)
Dấu hai chấm được dùng để báo hiệu sự liệt kê hoặc nhấn mạnh ý trích dẫn trực tiếp. Nó chỉ phần đứng sau có chức năng thuyết minh hoặc giải thích cho phần trước. Dấu hai chấm cũng được dùng báo hiệu nội dung lời của các nhân vật trong đối thoại.
Dấu chấm than (!)
Đây là dấu được dùng để kết thúc câu cảm thán, câu cầu khiến. Trong trường hợp kết thúc câu gọi hay câu đáp cũng dùng dấu chấm than. Đôi khi, nó được dùng để tỏ thái độ mỉa mai, ngạc nhiên.
Dấu gạch ngang (-)
Tìm hiểu về dấu gạch ngang không thể bỏ qua tác dụng của nó. Tác dụng của dấu gạch ngang lớp 3 là gì? Dấu gạch ngang được đặt đầu dòng trước những bộ phận liệt kê hay trước lời đối thoại. Nó cũng có tác dụng ngăn cách thành phần chú thích với thành phần khác trong câu. Hoặc trong trường hợp nối tên các địa danh, tổ chức liên quan đến nhau hay dùng trong cách đề ngày tháng năm cũng dùng dấu gạch ngang.
Dấu ngoặc đơn (())
Dấu ngoặc đơn được dùng để ngăn cách các thành phần chú thích với các thành phần khác hay được dùng để giải thích ý nghĩa cho từ. Người ta cũng dùng dấu ngoặc đơn để chú thích nguồn gốc tài liệu.
Dấu ngoặc kép ("")
Dấu ngoặc kép có tác dụng dùng để đánh dấu tên tài liệu, sách hay báo dẫn trong câu. Ngoài ra, đây còn là dấu câu dùng để trích dẫn lời nói được tường thuật trực tiếp, đóng khung tên riêng tác phẩm hay dùng sau dấu hai chấm.
Dấu chấm phẩy (;)
Đây là dấu câu được đặt giữa các vế trong câu, các bộ phận đẳng lập với nhau. Khi đọc gặp dấu chấm phẩy sẽ nghỉ hơi dài hơn khi nghỉ hơi dấu phẩy nhưng ngắn hơn khi nghỉ hơi dấu chấm. Ngoài ra, nó còn được dùng để ngăn các vế trong câu ghép và đứng sau bộ phận liệt kê.
Dấu phẩy (,)
Dấu phẩy là dấu câu khá phổ biến. Nó được dùng xen kẽ trong 1 câu, giúp câu được phân cách rõ ràng. Một câu có thể xuất hiện nhiều dấu phẩy. Khi đọc nên nghỉ hơi ngắn bằng ½ thời gian nghỉ hơi dấu chấm (ngắt hơi). Người ta dùng dấu phẩy khi muốn tách các bộ phận cùng loại với nhau, tách các bộ phận phụ với bộ phận chính (cụm chủ vị của câu) và tách các vế của câu ghép.
Hiểu rõ tác dụng các dấu trong tiếng Việt cũng như cách sử dụng các dấu câu trong tiếng Việt sẽ giúp cho người học hiểu được rõ từng dấu câu để từ đó áp dụng trong mỗi bài viết một cách hiệu quả, mạch lạc hơn.