Cách đây tròn 70 năm, vào tháng 10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô. Nhịp trống rung vang 36 phố phường, cờ hoa tung bay rực rỡ trong ngày vui hào hùng. Với thầy và trò Thủ đô thì mùa thu năm ấy để lại kí ức khó phai mờ, hạnh phúc được nhân đôi bởi ngay sau thời khắc Thủ đô được giải phóng là sự ra đời của ngành GDĐT Hà Nội. Sự kiện mở ra một trang sử mới, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Thủ đô ngày một lớn mạnh và phát triển.
Những mốc son lịch sử
Ngày 9/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập bộ máy của Ủy ban Quân chính, trong đó có quyết định thành lập Sở GDĐT. Đây là dấu mốc đầu tiên trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành GDĐT Thủ đô trong kỷ nguyên cách mạng. Dù bộn bề khó khăn, nhưng chỉ 10 ngày sau khi tiếp quản Thủ đô, các trường học của Hà Nội đã khai giảng năm học đầu tiên sau hòa bình. Ngày 18/12/1954, khi đến thăm một số trường phổ thông của Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn: "Ngày nay đất nước ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thực sự là người chủ tương lai của đất nước, muốn xứng đáng với vai trò của người chủ thì phải học tập".
Trải qua những năm chiến tranh chống Mỹ, trong tiếng gầm rú của máy bay, tiếng bom dội, các trường học của Hà Nội phải sơ tán về các vùng ngoại thành nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng đào tạo và chăm sóc các thế hệ tương lai. Rất nhiều nhà giáo đã phải tạm xếp bút nghiên lên đường chiến đấu hoặc tham gia công tác giáo dục ở miền Nam khốc liệt. Trong số đó không ít người đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Giai đoạn đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, ngành GDĐT Hà Nội luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh “trồng người” cao cả với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện; góp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước. Ngành GDĐT Thủ đô luôn là đơn vị tiên phong tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục. Đặc biệt, từ năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tuy sau hợp nhất gặp nhiều khó khăn song chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao một cách thực chất, kỷ cương nền nếp được tăng cường. Để xứng với vị trí là Thủ đô của cả nước, ngành GDĐT Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh “trồng người” cao cả với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước.
Những thành tựu rực rỡ, nổi bật
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, ngành GDĐT Thủ đô đã có những bước tiến vượt bậc. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Cụ thể:
- Hà Nội hiện đã trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước, với hệ thống trường học, đại học và các trung tâm nghiên cứu khoa học phát triển mạnh mẽ, là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước cả về số lượng học sinh, giáo viên, trường học cũng như đầu tư vào cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Tính đến năm 2024, Hà Nội có tổng số 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia của thành phố hiện nay là trên 1.600 trường, chiếm tỷ lệ 72%. Trên địa bàn Hà Nội còn có 97 trường Đại học, Học viên và 33 trường Cao đẳng, chiếm 1/3 số trường và 40% tổng số sinh viên cả nước.
- Mạng lưới trường, lớp được mở rộng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư. Nhiều trường học ở Hà Nội đã được nâng cấp với cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm phòng học thông minh, thư viện điện tử và hệ thống phòng thí nghiệm tiên tiến. Hà Nội cũng đã địa phương đi đầu trong việc áp dụng công nghệ số vào giáo dục, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid – 19, làm tốt phương châm: “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”, giúp duy trì việc học trực tuyến hiệu quả.
- Về chất lượng đội ngũ giáo viên: Thành phố không ngừng đầu tư và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giúp nâng cao trình độ, chuyên môn và kỹ năng giảng dạy. Theo báo cáo của Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2023 – 2024, tổng số cán bộ giáo dục và giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn thành phố là khoảng 130.000 người. 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học của Hà Nôi đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.
- Nhiều trường ở Hà Nội đã triển khai các chương trình giảng dạy song ngữ và liên kết với các trường quốc tế. Hà Nội hiện có hơn 30 trường quốc tế và trường song ngữ, đào tạo học sinh theo chuẩn quốc tế, giúp tăng cường kỹ năng tiếng Anh và khả năng hội nhập toàn cầu.
- Về chất lượng giáo dục đại trà, Hà Nội luôn có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao, vượt mức trung bình cả nước. Năm 2024, tỷ lệ học sinh Hà Nội đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,8%, mức trung bình cả nước là 99,4%.
- Về giáo dục mũi nhọn, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia với 184 học sinh đạt giải năm 2023. HS Hà Nội cũng giành nhiều huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế ở các môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh và Tin học.
Ngoài việc chú trọng học thuật, Hà Nội còn đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, giá trị đạo đức, lối sống văn minh cho học sinh. Không chỉ giỏi về văn hóa, học sinh thủ đô còn nổi bật trong các hoạt động thể thao, văn nghệ và các hoạt động khác với nhiều thành tích xuất sắc. Với những đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước, ngành GDĐT Hà Nội đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước, đặc biệt 2 lần vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Các cơ sở giáo dục, đội ngũ VBGVNV, HS cũng được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý.
Hướng đến nền giáo dục thực chất, đổi mới và hội nhập quốc tế
Trong không khí tưng bừng, phấn khởi hướng về dấu mốc 70 năm thành lập ngành, mục tiêu mà ngành GDĐT Thủ đô hướng tới là làm tốt cả việc dạy chữ, dạy nghề, dạy người, đặc biệt là dạy người; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học theo hướng khơi dạy tư duy sáng tạo của học sinh, năng lực tự học, tự tu dưỡng rèn luyện; gắn học lý thuyết với thực hành, học kiến thức với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tràu dồi đạo đức, lối sống, nhằm tạo ra những con người thật sự có đức, có tài, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Điều quan trọng là bên cạnh tranh thủ ngoại lực để tăng cường cở sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì mỗi CBGVNV và HS trong ngành cần chủ động phát huy nội lực, trách nhiệm, khả năng lao động sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy và học một cách thực chất, đúng với định hướng giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện để giáo dục thủ đô xứng tầm vị thế trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước.
Có thể nói, trải qua 70 năm, ngành GDĐT Hà Nội đã ghi dấu bằng những thành tựu đáng tự hào, khẳng định vai trò tiên phong trong nền giáo dục cả nước. Những thành tựu ấy không chỉ phản ánh nỗ lực không ngừng của ngành mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Đây cũng chính là động lực to lớn, mở ra nhiều cơ hội để giáo dục Thủ đô tiếp tục bứt phá, vươn tầm trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, trở thành hình mẫu tiêu biểu cho cả nước trong tương lai./.