Thực hiện Kế hoạch Giáo dục nhà trường năm học 2023-2024 và Kế hoạch số 68/KH-THTT ngày 28/9/2023 của Hiệu trưởng trường TH Thượng Thanh về Thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị, công tác học sinh năm học 2023-2024, sáng ngày 24 tháng 11 năm 2023, trường TH Thượng Thanh tổ chức cho học sinh khối 3 đi tham quan, học tập tại di tích lịch sử địa phương. Điểm thăm quan đầu tiên là Đình Thanh Am thuộc địa bàn phường Thượng Thanh và Đình Phúc Xá – Bắc Biên thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Từ sớm, dưới ánh nắng dịu nhẹ và những làn gió thoảng qua, các con học sinh đã có mặt tại sân trường. Gương mặt bạn nào cũng đong đầy niềm vui, niềm háo hức, nói cười vui vẻ. Đúng 7 giờ 30, đoàn xe bắt đầu lăn bánh. Hành trình tham quan đầu tiên là Đình Thanh Am. Thanh Am là một làng cổ có tên là làng Đuống bên dòng sông Thiên Đức của các thời đại trước được đổi tên thành sông Đuống hiện nay. Vẻ đẹp cổ kính trong một không gian thoáng đãng thanh bình của ngôi Đình đã thu hút các bạn nhỏ ngay từ những phút đầu tiên. Bước qua không gian tĩnh lặng, trầm lắng của hàng cây lưu niệm, các con học sinh đến với quần thể chính của khu di tích Đình Thanh Am.
Tại đây, các thầy cô giáo và các con học sinh được tham dự nghi lễ dâng hương nơi cửa đình. Sau lễ dâng hương, thầy trò trường Tiểu học Thượng Thanh tiếp tục được nghe 2 cô đại diện ban quản lí di tích giới thiệu về lịch sử của ngôi đình và thân thế sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Đình Thanh Am được xây dựng từ thế kỉ 17, thờ Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), người làng Trung Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, thủa nhỏ được người đời khen là thần đồng. Năm 1535 ông đỗ trạng nguyên, làm quan trong triều đình nhà Mạc, sau lên chức Trình Quốc Công, bởi vậy người đương thời gọi ông là Trạng Trình.
Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan nhà Mạc 8 năm thì xin về quê dạy học. Trong 8 năm ở Kinh đô và khi đã về quê, mỗi lần vua Mạc với ông ra kinh đô hỏi việc chính sự, Nguyễn Bỉnh Khiêm đều có qua Thanh Am. Là người học rộng, tài cao, nhận ra vẻ đẹp của vùng đất màu mỡ nơi đây, ông đã cho con cháu đến lập nghiệp, đặt tên ấp là Hoa Am, sau đổi tên gọi là Thanh Am.
Do có nhiều công đức với dân làng nên sau khi mất, Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng hai vị tướng của Hai Bà Trưng là Đào Kỳ - Phương Dung được tôn thờ làm Thành hoàng làng Thanh Am.
Ngày nay, bên cạnh việc thờ cúng, biết ơn Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, đình còn là nơi sinh hoạt văn hóa chung của nhân dân nơi đây. Tiếp đó, các con học sinh tiếp tục tham quan các công trình kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh xảo với lối kiến trúc đặc trưng của người phương Đông. Đình nằm trên một khu đất rộng, trước mặt là ba cái ao tròn, xung quanh ao kè đá xám. Sân đình rộng được che mát bởi những cây cổ thụ. Đình gồm 3 khu: Đại Đình, Phương Đình và Hậu Cung. Hiện đình Thanh Am còn lưu giữ đươc một hệ thống di vật cổ có giá trị như cuốn Thần phả, một quyển Sấm Ký của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Với những ý nghĩa và giá trị đó năm 1990, đình đã được bộ Văn hóa thông tin (nay là bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia.
Sau khi thăm quan, học tập tại Đình Thanh Am, cả đoàn tiếp tục cuộc hành trình đến một di tích lịch sử đó là Đình làng Bắc Biên, hay còn gọi là đình Phúc Xá, nằm ở ven đê Ngọc Thụy, Quận Long Biên , Hà Nội. Đình thờ Ba vị tướng của Vua Hùng là Minh Khiết Đại Vương, Bảo Trung Đại Vương, Hiếu Công Đại Vương, thờ Nhị Vị Công Chúa và Thái Úy Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt. Đến đây các em học sinh được làm lễ dâng hương, tìm hiểu về lịch sử ngôi đình và thân thế sự nghiệp cụ Lý Thường Kiệt.
Cụ Lý Thường kiệt tên thật là Ngô Tuấn, quê làng An Xá thuộc thành Thăng Long xưa. Cụ sinh năm Kỷ Mùi (1019), do vua ban quốc tính họ Lý nên mới gọi là Lý Thường Kiệt. Cụ mất năm 1105, được dân làng An Xá thờ trong ngôi đền ở phía bắc Bãi giữa sông Hồng. Rồi vua Lý thần Tông (1128 – 1132) đổi tên làng An Xá thành Cơ Xá. Khi sông Hồng xói lở, dân Bãi giữa chuyển cả ngôi đền sang thôn Bắc Biên, sau trở thành ngôi chung, gọi là đình Phúc Xá. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (năm 1993).
Sau khi được tìm hiểu về hai di tích lịch sử và các danh nhân trên địa bàn quận Long Biên, các em học sinh thực hiện hoàn thành bài thu hoạch của mình.
Buổi thăm quan học tập tại hai ngôi đình trên địa bàn quận Long Biên đã góp phần bổ sung thêm kiến thức lịch sử địa phương, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các bạn học sinh lớp 3. Từ đó, các con được giáo dục lòng biết ơn các thế hệ cha ông, tự hào vì địa phương mình có rất nhiều di tích lịch sử có giá trị và xây dựng ý thức giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc của quê hương Long Biên.