Bảng xếp hạng 61 nước đọc sách nhiều nhất thế giới (dựa trên kết quả nghiên cứu của Central Connecticut State University (CCSU) - một trường ĐH ở Mỹ) có kể đến ba nước ở Đông Nam Á. Trong đó có Singapore xếp thứ 36, Malaysia xếp thứ 53 và Indonesia áp chót, đứng thứ 60. Tìm mỏi mắt không thấy tên Việt Nam. Nói theo cách khác, Việt Nam không có trong số 61 nước đọc sách nhiều nhất trên thế giới. Chính vì thế, với mục đích tạo thói quen và nâng cao avnw hóa đọc cho người Việt, ngày 15/3/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó khẳng định quan điểm phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Từ đó tới nay, có thể nói, chưa thời gian nào Việt Nam nhắc đến Văn hóa đọc sách, thói quen đọc sách nhiều như những năm vừa qua.
Xã hội hiện đại cùng với sự xuất hiện ồ ạt của những dòng điện thoại thông minh, ipad, laptop hay máy vi tính khiến chúng ta dễ dàng bị cuốn theo những trò chơi giải trí như trò chơi điện tử, game trực tuyến, mạng xã hội, facebook,... Chúng ta dần dần quên mất đi những người bạn bé nhỏ mà vô cùng vĩ đại, đó chính là những quyển sách - kho tàng tri thức mà nhân loại tạo ra, lưu lại và truyền cho thế hệ sau. Đọc sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi những cuốn sách có nội dung tốt không chỉ giúp chúng ta có thêm hiểu biết mới mà còn kích thích sự suy nghĩ, tìm tòi và đặc biêt là thái độ đúng đắn đối với thế giới xung quanh cũng như đối với bản thân mình, nhất là bồi dưỡng sự hứng thú, năng lực và thói quen tự học suốt đời. Đặc biệt, đối với trẻ em việc đọc sách còn có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều. Một thói quen tốt được hình thành từ sớm sẽ không chỉ giúp các em trong quá trình học tập mà quan trọng hơn còn giúp các em hình thành nhân cách tốt.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc đọc sách đối với trẻ nhỏ, với mong muốn tạo hứng thú đọc sách, xây dựng lòng yêu sách và hình thành thói quen đọc sách cho học sinh trong trường, với tâm huyết của một nhân viên thư viện tại trường tiểu học kết hợp với những kinh nghiệm đọc sách của bản thân, học hỏi từ những đồng nghiệp cũng như tham khảo một số tài liệu…, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm nhằm thu hút học sinh đến với thư viện Trường Tiểu học Thượng Thanh.
1. Mục đích
- Tạo hứng thú đọc sách cho học sinh trong Trường để từ đó các em có tình yêu với sách, ham mê đọc sách và có thói quen đọc sách hàng ngày;
- Hình thành cho học sinh thói quen chủ động trong việc lĩnh hội tri thức, tìm kiếm các thông tin, kiến thức qua sách báo, tài liệu, chủ động trong việc học tập của mình;
- Giúp học sinh tìm được những phút giây giải trí lành mạnh bên những trang sách, tránh xa ti vi, điện thoại hay những trò chơi điện tử khiến trẻ căng thẳng và mỏi mắt.
2. Vai trò của việc đọc sách
- Đọc sách là cách giúp trẻ tư duy, cải thiện sự tập trung, khiến não bộ phát triển, giúp trẻ học và tiếp thu kiến thức tốt hơn;
- Đọc sách dạy trẻ tìm hiểu về thế giới xung quanh, phát triển trí tưởng tượng phong phú;
- Đọc sách góp phần cải thiện vốn từ vựng của trẻ và các kỹ năng ngôn ngữ phát triển cao hơn, giúp trẻ hoạt ngôn và tự tin hơn trong giao tiếp;
- Thông qua các cuốn sách kỹ năng sống, các câu chuyện cổ tích… sẽ giúp trẻ phát triển lòng trắc ẩn, sự cảm thông và tình yêu thương con người;
- Đọc sách còn là một hình thức giải trí tuyệt vời, giúp thư giãn cơ thể và làm dịu tâm trí, đặc biệt trong môi trường hiện nay ngày càng có nhiều trẻ mắc các “bệnh xã hội” như tự kỷ, trầm cảm, tăng động, giảm chú ý,…
3. Các hoạt động nhằm thu hút học sinh đến với thư viện
Đọc sách là một thói quen vô cùng tốt, đặc biệt Tiểu học là cấp nền tảng nên việc rèn được thói quen đọc sách ngay từ lúc này sẽ giúp các em duy trì và phát triển thói quen đọc sách trong các cấp học tiếp theo và cả cuộc sống sau này.Tuy nhiên, cũng giống như những thói quen khác, thói quen đọc sách không thể hình thành trong ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình liên tục trong suốt năm học, thậm chí nhiều năm học, với nhiều hình thức tổ chức và biện pháp khác nhau:
* Thứ nhất, sắp xếp, trang trí trong thư viện
Thư viện phải sạch sẽ, thoáng mát, đủ ánh sáng, được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, phù hợp với đối tượng bạn đọc là giáo viên và học sinh. Thư viện được chia ra làm 2 kho: kho mở gồm phòng đọc dành cho giáo viên và phòng đọc dành cho học sinh; kho đóng là kho sách giáo khoa, nghiệp vụ phục vụ đọc tại chỗ và mượn về nhà.
Để giáo viên và học sinh dễ tra cứu và tìm tài liệu khi có sách mới nhập về, tôi tiến hành xử lý nghiệp vụ ngay như đăng ký sổ tổng quát, mô tả tài liệu; phân loại, tổ chức sắp xếp sách trong kho theo từng kho sách và ký hiệu phân loại…Đối với sách tại phòng đọc thiếu nhi, tôi tiến hành phân loại theo từng chủ đề. Với mỗi chủ đề tôi sử dụng một nhãn màu khác nhau. Ví dụ, với sách truyện cổ tích tôi dùng màu xanh lá cây; sách kỹ năng sống sử dụng màu đỏ, sách Văn học màu hồng,… để học sinh và giáo viên dễ dàng, thuận tiện khi đến thư viện để mượn sách và lựa chọn sách theo từng chủ đề.
Ngoài ra, tại phòng thư viện cũng treo bảng hướng dẫn sử dụng nhãn màu để giáo viên và học sinh nhận biết được các màu quy định từng loại sách. Từ đó, giáo viên và học sinh chọn sách theo đúng chủ đề, đúng yêu cầu mà mình thích, nhanh chóng và thuận tiện. Cũng như khi đọc xong giáo viên và học sinh cất sách vào đúng vị trí quy định trên giá sách.
* Thứ hai, tạo hứng thú trong các tiết đọc thư viện
Một phần quan trọng không thể thiếu để tạo hứng thú cũng như thói quen đọc sách cho học sinh đó là
Đọc sách trong các tiết thư viện. Mỗi tiết thư viện là một giờ các em được chia sẻ về những điều thú vị trong những quyển sách mình đã đọc, là lúc để khen ngợi những bạn ham đọc sách và đọc được nhiều sách.
Sau mỗi tiết thư viện các em được đọc và hiểu thêm về một cuốn sách mới, nếu bạn nào chưa đọc xong có thể đăng kí mượn mang về đọc tiếp. Học sinh sẽ viết lại những gì mình nhớ về cuốn sách vào sổ tay học sinh.
Ví dụ: Để nắm bắt được sở thích đọc sách của học sinh, tôi thường trực tiếp hỏi các em: “Em thích đọc loại sách nào?”. Có em trả lời thích đọc truyện tranh, em thì thích đọc truyện cổ tích, em lại thích sách về khoa học khám phá, câu đố… Từ đó tôi có thể nắm bắt được tâm lý, sở thích và nhu cầu đọc của học sinh để có phương pháp phục vụ một cách hiệu quả nhất.
* Thứ ba, khuyến khích, động viên HS viết các bài thu hoạch, cảm nhận sau khi đọc và khen thưởng cho các bạn đọc nhiều sách và có tham gia nhiều hoạt động tại thư viện
Đối với trẻ nhỏ, để trẻ tham gia bất kì hoạt động nào, luôn cần sự động viên, khuyến khích với nhiều hình thức thi đua và trao thưởng cho các em. Đối với hoạt động đọc sách cũng vậy. Khi các em đã hiểu được ý nghĩa của việc đọc sách lại có thêm các hình thức thi đua khen thưởng sẽ giúp các em thêm tích cực và chủ động đọc sách, vì vậy tôi đã đưa ra một vài hình thức thi đua và khen thưởng khác nhau.
Ví dụ, bên cạnh việc đọc sách, tôi khuyến khích các em có các bài thu hoạch sau khi đọc sách bằng các hình thức vẽ tranh, viết cảm nghĩ,… Với những bài vẽ, viết tốt, có cảm xúc sẽ được tuyên dương trước cờ, trên bảng tin, trang web…
Ngoài ra, tôi luôn cố gắng dành thời gian để đọc sách cho học sinh. Việc đọc sách được lấy làm phần thưởng để tặng cho học sinh sau những cố gắng của học sinh trong mỗi tiết học.
* Thứ tư, tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sách
Tuyên truyền, giới thiệu sách là một hoạt động nghiệp vụ quan trọng trong thư viện trường học. Đây là một trong những yếu tố cơ bản đánh giá hiệu quả của hoạt động thư viện nhằm mục tiêu khai thác toàn diện vốn tài liệu có trong thư viện cũng như lôi cuốn bạn đọc đến thư viện một cách hữu hiệu. Hoạt động này đòi hỏi có sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa nghiệp vụ thư viện, kĩ năng sư phạm, khả năng viết và kĩ năng thuyết trình của cán bộ thư viện và tổ cộng tác viên thư viện.
Vì vậy, sách báo tuyên truyền, giới thiệu phải có nội dung phù hợp, được nhiều người quan tâm, có tính thời sự, còn mới và có giá trị cao. Có như vậy mới thu hút được bạn đọc đến với sách, kích thích sự tìm tòi và thỏa mãn nhu cầu đọc.
Ví dụ: Đối với học sinh có học lực trung bình thì ngoài những sách giáo khoa để học trên lớp, tôi giới thiệu cho các em các sách bài tập, sách tham khảo để các em luyện tập, bổ sung nhằm củng cố lại kiến thức của mình. Đối với các em học sinh giỏi, tôi gợi ý cho các em những cuốn sách nâng cao, sách bài tập khó…để các em mở rộng thêm kiến thức. Đối với giáo viên, ngoài những sách nghiệp vụ, sách giáo khoa phục vụ công tác giảng dạy và học tập thì tôi tìm tòi, giới thiệu cho giáo viên những đầu sách tham khảo hay, những chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi để giáo viên có tài liệu học tập nâng cao chất lượng trong hoạt động giảng dạy của mình.
* Thứ năm, thái độ phục vụ bạn đọc
Đây là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, vì muốn thu hút học sinh đến với thư viện ngày càng đông thì thái độ của cán bộ thư viện phải vui vẻ, nhiệt tình, thân thiện. Vì đối với bạn đọc nhỏ tuổi, cán bộ thư viện phải tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ, phải tạo được cảm giác thân mật, gần gũi với học sinh. Tuyệt đối tránh cáu gắt, thiếu nhiệt tình và tạo cảm giác khó chịu đối với bạn đọc.
* Thứ sáu, phát động phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ để được đọc nhiều cuốn sách hay”
Việc phát động phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ để được đọc nhiều cuốn sách hay” trong toàn thể giáo viên và học sinh trong trường nhằm tăng thêm vốn tài liệu cho thư viện, đồng thời động viên và khen thưởng kịp thời những lớp, những cá nhân thực hiện tốt phong trào.
Trên đây là một vài hoạt động để thu hút học sinh đến thư viện của Trường Tiểu học Thượng Thanh. Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bổ sung của các đồng nghiệp, bạn đọc để công tác phục vụ tại thư viện trường được ngày một tốt hơn.
Một số hình ảnh tại Thư viện nhà trường