Trong những ngày vừa qua, trên các phương tiện truyền thông đưa thông tin về các vụ xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu, Hoàng Mai - Hà Nội, Thủ Đức - Hồ Chí Minh,…với diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội… Ngày hôm nay (20/3/2017) Trường Tiểu học Thượng Thanh đã tổ chức buổi tuyên truyền và gửi tới các em học sinh những kỹ năng cơ bản để “Phòng chống quấy rối và xâm hại tình dục trẻ em”:
1. Xâm hại tình dục trẻ em là gì?
- Xâm hại tình dục trẻ em xảy ra khi một ai đó sử dụng quyền lực hoặc lợi dụng sự tin tưởng của trẻ để lôi kéo trẻ vào hoạt động tình dục.
- Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm tất cả các hành vi tình dục không mong muốn, có thể bao gồm cả hành vi xâm hại có tiếp xúc hay hành vi xâm hại không tiếp xúc.
- Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm:
+ Làm những hình ảnh, video có tính chất xâm hại trẻ em
+ Ép buộc trẻ em xem hay tham gia các hoạt động tình dục
+ Ép buộc trẻ em quan hệ tình dục hoặc lôi kéo trẻ em vào các hành vi tình dục với trẻ em khác hoặc với người lớn.
- Trẻ em có quyền được bảo vệ theo Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và luật pháp Việt Nam.
+ Luật Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em
+ Luật Hình sự
+ Luật Hôn nhân và Gia đình
+ Luật Lao động
2. Ban có biết?
- Xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề toàn cầu
- Trẻ em trai và trẻ em gái đều có thể là nạn nhân của xâm hại tình dục
- Trẻ em thường biết rõ thủ phạm
- Kẻ xâm hại có thể là bạn bè của nạn nhân và gia đình của các em
- Xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra trong hoạt động du lịch
- Trẻ thường không nói với người lớn khi bị xâm hại
- Mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ
3. Các quy tắc phòng chống nguy cơ bị xâm hại:
- Không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ.
- Không ở trong phòng kín một mình với người lạ. Nếu đó là người quen của gia đình thì cửa phòng phải luôn được mở.
- Không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do.
- Không đi nhờ xe người lạ, hoặc sử dụng ăn uống của người lạ đưa .
- Không để cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình.
- Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình.
- Không nói chuyện điện thọai với người lạ khi đang ở nhà một mình.
- Không cho ai (ngoài Bố mẹ, Bác sỹ khám bệnh) có quyền tùy tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào với các em.
- Không ăn mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ, kể cả những người thân họ hàng (trừ Bố mẹ, ông Bà, anh chị em ruột của mình) .
- Tin vào linh tính của bản thân khi thấy điều gì không bình thường cần cảnh giác và chủ động nghĩ cách phòng tránh để thoát ra khỏi tình huống đó.
4. Những chỉ dẫn giúp các em tránh nguy cơ bị động chạm không an toàn, bị xâm hại:
- Đứng ngay dậy
- Nhìn thẳng vào kẻ định sàm sỡ
- Lùi ra xa đủ để không cho họ với tay được đến mình.
- Nói to/hét to và kiên quyết: Không! Hãy dừng lại! Tôi không cho phép! Tôi không muốn! Nếu không dừng lại, tôi sẽ mách với mọi người … (Có thể nhắc đi nhắc lại).
Bỏ chạy đến chỗ an toàn nếu họ tìm cách sờ nắn hoặc ôm ấp mình và kêu to cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
- Kể ngay với cha mẹ hoặc những người tin cậy. Nếu người thứ nhất chưa tin lời em thì kể với người thứ hai, nếu người thứ hai chưa tin thì kể cho người thứ ba,… cho đến lúc có người tin và giúp đỡ. Cha mẹ, người lớn trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, trụ sở công an gần nhất,… hay bất cứ người nào mà các em tin tưởng là người các em cần tìm và nhờ họ giúp đỡ, bảo vệ.
- Nếu em bị sàm sỡ, xâm hại, hãy kể ngay với cha mẹ, người thân và cùng người lớn đến cơ sở y tế để khám.
- Các em không nên phớt lờ, chối bỏ, né tránh vấn đề.
Trên đây là một số kỹ năng giúp các em phòng chống quấy rối và xâm hại. Nhà trường, gia đình và thầy, cô giáo luôn tin tưởng các em, mong các em luôn dũng cảm, luyện tập trước những kỹ năng ứng biến để bình tĩnh, xử lý!
Sau đây là một số hình ảnh trong buổi tuyên truyền: