Có một nghề như thế:
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng hoa trong đất
Mà mang lại cho Đời đầy “trái ngọt hoa tươi” ”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương sinh năm 1980. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô đã luôn mơ ước sẽ trở thành một người giáo viên. Qua từng bài học, từng trang sách ước mơ ấy của cô ngày càng được nuôi dưỡng và dần trở thành hiện thực. Cô đã từng chia sẻ: “Đã có nhiều khi cô muốn từ bỏ giấc mơ của mình, nhưng mỗi ngày đến lớp thấy cô giáo đứng trên bục giảng say sưa giảng bài, say sưa truyền thụ kiến thức cho học sinh. Cô thấy hình ảnh đó mới đẹp làm sao! Cũng chính nhờ những người thầy, người cô đầy nhiệt huyết đó mà cô đã cố gắng theo đuổi và thực hiện ước mơ của mình.”
Là một cô giáo trẻ của trường Tiểu học Thượng Thanh, cô giáo Thu Phương luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn, kĩ năng nghiệp vụ, sát cánh cùng tập thể giáo viên nhà trường năng cao chất lượng giáo dục. Không chỉ dừng lại với vốn kiến thức đã được học tập trên giảng đường, cô còn luôn hăng say nghiên cứu tìm hiểu những vốn kiến thức bên ngoài để bài giảng của mình thêm hấp dẫn. Cô còn luôn học tập và áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, những hình thức tổ chức dạy học sáng tạo gây hứng thú cho học sinh trong từng tiết học. Các tiết chuyên đề của cô giáo Thu Phương luôn là điểm sáng để các giáo viên trẻ học tập, rút kinh nghiệm.
Cô Nguyễn Thị Thu Phương trong hội thi: “Giáo viên dạy giỏi cấp Trường”
Ngoài việc trau dồi chuyên môn cho bản thân, cô còn xây dựng nhiều bài giảng điện tử ứng dụng nhiều công nghệ thông tin với nội dung phong phú cho tập thể giáo viên nhà trường tham khảo và học tập. Trong tổ chuyên môn, cô luôn là “đầu tàu” dẫn dắt các đồng nghiệp trẻ đi đúng hướng, xây dựng những chuyên đề chất lượng.
Bên cạnh việc trau dồi chuyên môn, cô luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, một người thầy giáo tốt phải có phẩm chất tốt: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”. Cô luôn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cho học sinh noi theo. Luôn là tấm gương chuẩn mực về tư cách nhà giáo để đồng nghiệp soi vào. Trong cô vẫn giữ những nét truyền thống của một nhà giáo, không sai lệch tư tưởng đạo đức nghề nghiệp. Nhưng ở cô vẫn có những nét cá tính riêng để mỗi học sinh luôn nhớ về cô.
Đối với học sinh, cô như người mẹ thứ hai của các con khi ở trường. Nếu cha mẹ có công sinh thành thì thầy cô có công dạy dỗ, dìu dắt. Bằng trái tim nhân hậu, cháy bỏng nhiệt huyết và yêu thương, cô luôn tận tình dạy bảo các con. Mỗi bài giảng của cô luôn hấp dẫn học sinh chẳng lơ là phút giây nào. Cô chăm lo cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ, cô quan tâm đến tâm tư tình cảm của mỗi bạn học sinh. Mỗi khi các con gặp khó khăn trong học tập cô luôn bên cạnh động viên, ủng hộ tinh thần để các bạn có thể tự mình vượt qua khó khăn đó.
Cô đã có những dấu ấn thành công nhất định trên con đường mình đã chọn. Nhưng không tự mãn với những thành công ban đầu mà cô coi đó là nền tảng để tiếp tục cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp trồng người, góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương.
Giờ đây, cô Nguyễn Thị Thu Phương vẫn không ngừng phấn đấu, tu dưỡng đạo đức và chuyên môn, nguyện đem hết sức mình để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang mà Bác Hồ đã nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.